Khủng hoảng Hiện Sinh
Bạn đã bao giờ cảm thấy lạc lõng trong chính cuộc sống của mình, như một chiếc lá trôi dạt trên dòng sông? Đó có thể là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Khủng hoảng hiện sinh là một trạng thái tâm lý xảy ra khi chúng ta đặt ra những câu hỏi sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống và vai trò của mình trong vũ trụ. Cảm giác vô nghĩa, lo lắng, và cô đơn thường đồng hành cùng chúng ta trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, đừng quá lo lắng, bởi vì khủng hoảng hiện sinh là một phần tự nhiên của cuộc sống. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khủng hoảng hiện sinh, cũng như cung cấp những gợi ý để bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này và tìm lại niềm vui trong cuộc sống
1. Nguồn gốc của khủng hoảng hiện sinh
1.1 Chủ nghĩa hiện sinh
Thuật ngữ “khủng hoảng hiện sinh” bắt nguồn từ triết học về chủ nghĩa hiện sinh, tập trung vào ý nghĩa và mục đích của sự tồn tại từ quan điểm tổng thể và cá nhân.
Chủ nghĩa hiện sinh nhìn nhận lo lắng theo một cách rất khác so với các nhà tâm lý học. Thay vì coi lo lắng là một vấn đề phải được giải quyết, họ coi đó là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống mà mọi người sẽ phải trải qua và điều đó giúp ích cho chúng ta vì có thể dạy chúng ta những bài học quan trọng về cuộc sống.
Họ xem những mối quan tâm cuối cùng của cuộc sống là cái chết, tự do, cô lập và vô nghĩa. Những mối quan tâm này được cho là gây ra cảm giác sợ hãi và lo lắng vì chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng lựa chọn của chúng ta là đúng, và một khi một lựa chọn được thực hiện, thì ta phải từ bỏ lựa chọn còn lại.
Năm 1844, nhà triết học Đan Mạch Soren Kierkegaard đã viết: “Ai đã học được cách lo lắng đúng cách, thì đã học được điều tối thượng.” Điều này thể hiện ý tưởng rằng lo lắng về tồn tại vượt xa nỗi sợ hãi về những vấn đề hàng ngày.
1.2 nghiên cứu về khủng hoảng hiện sinh
Vào năm 1970, bác sĩ người Đức Erik Erikson đã chính thức nghiên cứu về khủng hoảng hiện sinh từ góc độ tâm lý học. Ông đã đặt tên cho trạng thái này là “khủng hoảng nhận dạng” và cho rằng nó là một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của con người.
Theo Erikson, khủng hoảng nhận dạng xảy ra khi một người cố gắng tìm hiểu bản thân mình và định hình lại bản thân trong một thế giới đầy biến đổi. Trong giai đoạn này, người ta có xu hướng đặt câu hỏi về bản thân, về mục đích và ý nghĩa của cuộc sống.
Để tìm hiểu bạn có đang bị khủng hoảng hiện sinh, có thể vào link này để kiểm tra.
2. Các Loại Khủng Hoảng Hiện Sinh
“Khủng hoảng hiện sinh” là một thuật ngữ chung có thể được sử dụng để mô tả hoặc nhóm lại nhiều loại vấn đề. Hiểu loại khủng hoảng bạn đang trải qua và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề có thể giúp bạn tìm ra cách quản lý nó.
2.1 Sợ hãi và trách nhiệm
Chủ nghĩa hiện sinh khẳng định rằng con người có quyền tự do lựa chọn và đi kèm với đó là trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, khi đối diện với sự hữu hạn của cuộc đời, những hành động của chúng ta có thể trở nên vô nghĩa trong mắt vũ trụ.
Sự tự do này, thay vì mang lại hạnh phúc, đôi khi lại dẫn đến nỗi tuyệt vọng. Trách nhiệm đi kèm với sự tự do khiến chúng ta lo lắng, hoang mang. Ai trong chúng ta chưa từng trăn trở trước một quyết định lớn, sợ rằng mình sẽ chọn sai? Đó chính là nỗi lo âu hiện sinh, nỗi sợ hãi trước sự tự do lựa chọn.
Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng không có một con đường nào được định sẵn là đúng. Mỗi người chúng ta phải tự mình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Trước trọng trách này, nhiều người cảm thấy quá sức và tìm cách trốn tránh bằng cách lặp lại những thói quen cũ.
2.2 Ý nghĩa của cuộc sống
Nếu bạn đang vật lộn với nỗi lo âu về ý nghĩa cuộc sống, bạn có thể tự hỏi: “Sống để làm gì?”. Khi trải qua những thay đổi lớn trong cuộc đời và mất đi sự an toàn của một môi trường quen thuộc, bạn có thể đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, đặc biệt khi cuối cùng tất cả chúng ta đều phải chết. Vậy tại sao phải cố gắng?
Nhà triết học Albert Camus đã đưa ra một quan điểm khác. Ông cho rằng việc tìm thấy niềm đam mê trong một cuộc đời dường như không có ý nghĩa là một minh chứng cho giá trị của cuộc sống. Nếu bạn có thể ngừng cố gắng sống vì một mục tiêu cuối cùng và bắt đầu sống vì chính hành động “sống” đó, thì cuộc sống của bạn sẽ trở nên trọn vẹn hơn, chân thật hơn và đầy đam mê hơn.
Quan điểm này rất phù hợp với tinh thần của thiền chánh niệm, một phương pháp đã được chứng minh có hiệu quả trong việc giảm lo âu.
2.3 Tính xác thực
Một cuộc khủng hoảng hiện sinh có thể là một cú sốc đối với tâm hồn, buộc bạn phải đối diện với sự hữu hạn của bản thân. Quá trình này, dù đầy đau khổ, cũng có thể là một hành trình khám phá bản ngã sâu thẳm. Bạn có thể bắt đầu nghi vấn về ý nghĩa của sự tồn tại, về giá trị của cuộc sống và về vai trò của mình trong vũ trụ rộng lớn. Khi đối mặt với sự vô thường của cuộc đời, bạn có thể cảm thấy lo âu, nhưng cũng đồng thời khơi dậy một khát vọng mãnh liệt muốn sống trọn vẹn từng khoảnh khắc.
Bạn sẽ nhận thấy rằng những phiền muộn hàng ngày trở nên nhỏ bé trước những câu hỏi lớn lao về cuộc đời. Những lo toan về công việc, gia đình hay xã hội có thể nhạt nhòa đi khi bạn hướng sự chú ý vào những giá trị cốt lõi của cuộc sống. Cuối cùng, điều gì thực sự quan trọng? Liệu thành công sự nghiệp, của cải vật chất hay danh vọng có thể mang lại hạnh phúc bền vững hay không?
2.4 Sự kiện hoặc giai đoạn lớn của cuộc sống
Nhiều người trải qua khủng hoảng hiện sinh khi chuyển sang một giai đoạn mới của cuộc đời, chẳng hạn như từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành hoặc từ tuổi trưởng thành sang tuổi về già. Những sự kiện lớn trong cuộc đời, bao gồm tốt nghiệp, bắt đầu một công việc mới hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, kết hôn hoặc ly hôn, có con và nghỉ hưu, cũng có thể gây ra khủng hoảng hiện sinh.
2.5 Sự mất mát
Việc mất đi người thân như người bạn đời, cha mẹ, anh chị em, con cái hoặc đối mặt với một căn bệnh nghiêm trọng có thể buộc chúng ta phải đối mặt với sự hữu hạn của cuộc đời và đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Điều này có thể dẫn đến khủng hoảng hiện sinh, khi bạn bị ám ảnh bởi những suy nghĩ về cái chết và mục đích sống.
3. Triệu chứng của khủng hoảng hiện sinh
Khủng hoảng hiện sinh có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường xảy ra vào độ tuổi thanh niên và tuổi trung niên. Nó có thể kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn hoặc kéo dài suốt đời.
3.1 Những dấu hiệu của khủng hoảng hiện sinh
Các triệu chứng của khủng hoảng hiện sinh có thể bao gồm:
- Cảm thấy mất mát và không biết mình đang tìm kiếm gì trong cuộc sống.
- Cảm thấy bối rối và không biết mình thuộc về đâu.
- Cảm thấy sự tồn tại của mình không có ý nghĩa và không có giá trị.
- Cảm thấy mất hứng thú với cuộc sống và không có động lực để làm bất cứ điều gì.
- Cảm thấy lo lắng và căng thẳng về tương lai.
- Cảm thấy khó chịu và không thoải mái với bản thân.
- Cảm thấy mất kiểm soát và không biết phải làm gì để giải quyết vấn đề.
Cùng với các triệu chứng tâm lý, bạn có thể cảm thấy một số tác dụng phụ về thể chất. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những tác dụng phụ này chủ yếu liên quan đến lo lắng, trầm cảm và các tình trạng tâm lý khác đôi khi đi kèm với khủng hoảng hiện sinh. Những biểu hiện này có thể bao gồm:
- Thiếu năng lượng
- Giảm cảm giác thèm ăn, hoặc không muốn ăn
- Mất ngủ và các rối loạn giấc ngủ khác
- Không cảm thấy vui vẻ hứng thú từ các hoạt động hàng ngày
3.2 Mối liên hệ giữa khủng hoảng hiện sinh và trầm cảm
Khủng hoảng hiện sinh và trầm cảm là hai trạng thái tâm lý khác nhau, nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong nhiều trường hợp, khủng hoảng hiện sinh có thể dẫn đến trầm cảm và ngược lại. Tuy thế, không giống như lo lắng và trầm cảm, khủng hoảng hiện sinh thường xảy ra do một điều gì đó xảy đến tác động đến bạn.
Trong khi khủng hoảng hiện sinh tập trung vào việc đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống và sự tồn tại của bản thân, thì trầm cảm tập trung vào cảm xúc tiêu cực và suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Tuy nhiên, cả hai trạng thái đều có thể gây ra sự mất cân bằng trong cuộc sống của một người.
4. Từ khóa liên quan đến khủng hoảng hiện sinh
Từ khóa liên quan nhiều nhất đến khủng hoảng hiện sinh là “depression” (trầm cảm). Đây là một trạng thái tâm lý phổ biến và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tâm lý và thể chất của một người.
Năm 2019, Dictionary.com đã chọn “existential” là Từ của Năm (Word of the Year). Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với vấn đề khủng hoảng hiện sinh và tầm quan trọng của việc tìm hiểu và giải quyết nó.
5. Cách xử lý khủng hoảng hiện sinh
Có nhiều cách để xử lý khủng hoảng hiện sinh, tùy thuộc vào từng người và từng trường hợp cụ thể. Dưới đây là một số cách để giúp bạn vượt qua khủng hoảng hiện sinh và tìm lại ý nghĩa của cuộc sống.
5.1 Tìm hiểu về bản thân
Để có thể vượt qua khủng hoảng hiện sinh, bạn cần phải tìm hiểu về bản thân mình và định hình lại bản thân trong một thế giới đầy biến đổi. Hãy dành thời gian để suy ngẫm về những giá trị và niềm tin của mình, cũng như những điều quan trọng nhất trong cuộc sống.
5.2 Thể hiện cảm xúc của bạn
Đừng đóng kín mọi thứ hoặc bỏ qua những gì bạn đang cảm thấy. Điều quan trọng là lắng nghe những gì cuộc khủng hoảng này đang nói với bạn và lý do tại sao nó đang xảy ra. Nếu bạn đối xử với nó như một đồng minh chứ không phải là kẻ thù của bạn, bạn có thể tìm thấy những lợi ích tuyệt vời từ nó. Hãy thử viết ra những suy nghĩ và câu hỏi về tồn tại của bạn và phân tích chúng để hiểu những gì chúng đang cố nói với bạn.
5.3 Tìm niềm vui trong những điều nhỏ bé
Bất cứ khi nào chúng ta gặp bất kỳ loại khủng hoảng nào, bạn có thể cảm thấy mọi thứ đều có màu xám và mọi thứ trước đây chúng ta thích thú đều không còn làm bạn hào hứng nữa. Tuy nhiên, nếu bạn để ý những điều be bé trong ngày bạn sẽ ngạc nhiên những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy có thể thắp sáng ngày của bạn. Đó có thể là ngắm mưa rơi, chơi cùng với chú cún hoặc mèo con, uống tách trà ngon, tin nhắn từ người bạn phương xa, lời nói cảm ơn từ người lạ, nụ cười của nhân viên bán cafe…. Hãy thử viết ra những điều bạn biết ơn vào cuối ngày và tìm niềm vui trong những điều nhỏ bé.
5.4 Thực hành viết nhật ký biết ơn
Sử dụng bút và giấy và cố gắng viết ra càng nhiều thứ mà bạn biết ơn càng tốt. Chúng có thể lớn hoặc nhỏ. Bạn có thể biết ơn về sức khỏe của mình, ngôi nhà của mình hoặc một cốc nước sạch. Điều này sẽ giúp bạn kết nối lại với cuộc sống của mình (điều khá tuyệt vời, khi bạn nghĩ về nó) và quay trở lại với các giá trị và mục đích của bạn.
5.5 Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân và bạn bè
Khủng hoảng hiện sinh có thể là một trạng thái rất căng thẳng và cô đơn. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân và bạn bè để có thể chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Đôi khi, chỉ cần có ai đó lắng nghe và chia sẻ cùng bạn cũng đã giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
5.6 Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia
Nếu cảm thấy khủng hoảng hiện sinh của bạn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc của bạn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia. Có nhiều loại hình tâm lý trị liệu có thể giúp bạn vượt qua khủng hoảng hiện sinh, bao gồm cả tư vấn cá nhân và các phương pháp điều trị khác. Hoặc nếu bạn không muốn đào sâu vào những tổn thương trong quá khứ, mà chỉ cần giải pháp hiện tại hướng đến tương lại, bạn cũng có thể tìm kiếm đến nhà khai vấn (coaching) để tìm người đồng hành vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện sinh này.
Kết luận
Cảm thấy lạc lõng, vô nghĩa trong cuộc sống, dù có mọi thứ xung quanh có thể là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Khủng hoảng hiện sinh, một khái niệm được giới thiệu bởi triết học hiện sinh, đã trở nên phổ biến hơn khi bác sĩ Erik Erikson gọi nó là “khủng hoảng nhận dạng”. Khi đối mặt với những câu hỏi lớn về ý nghĩa cuộc sống, sự tồn tại và cái chết, chúng ta có thể cảm thấy hoang mang, lo lắng và cô đơn.
Khủng hoảng hiện sinh thường đi kèm với các triệu chứng như buồn chán, mất hứng thú, cảm giác vô vọng, rất giống với các triệu chứng của trầm cảm. Điều này cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa hai vấn đề này. Tuy nhiên, khủng hoảng hiện sinh không phải là một căn bệnh, mà là một phần tự nhiên của cuộc sống.
Để vượt qua khủng hoảng hiện sinh, bạn cần dành thời gian để hiểu bản thân hơn, tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người thân yêu và các chuyên gia. Hãy nhớ rằng, sau cơn mưa trời lại sáng. Khi vượt qua được giai đoạn khó khăn này, bạn sẽ tìm thấy một ý nghĩa mới cho cuộc sống và trân trọng những giá trị đích thực.
Source:
https://en.wikipedia.org/wiki/Existential_crisis
https://www.verywellmind.com/coping-with-existential-anxiety-4163485